Ngân hàng số tại Việt Nam đang ở giai đoạn thành hình và sở hữu tiềm năng phát triển rất lớn. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang nổ ra mạnh mẽ, chuyển đổi số được đánh giá là hướng đi bền vững cho các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Bên cạnh những cơ hội to lớn đang mở ra trước mắt, vẫn còn rất nhiều những thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số. Cùng tìm hiểu về những vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Thực trạng phát triển ngân hàng số ở Việt Nam hiện nay
Ngành ngân hàng Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu của công cuộc chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai các dịch vụ số như: TP Bank với LiveBank ứng dụng công nghệ đăng ký vân tay, nhận diện khuôn mặt và định danh điện tử để đăng ký và đăng nhập tài khoản; VIB ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Big Data vào quy trình phát hành thẻ tín dụng Online Plus,.... Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều phát hành các ứng dụng cho phép khách hàng thực hiện giao dịch ngay trên nền tảng di động, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2020, nước ta có 105,6 triệu tài khoản ngân hàng cá nhân; 111 triệu thẻ đang lưu hành và mạng lưới ATM/ POS phủ sóng toàn quốc với 19,636 ATM và 276,273 POS. Đồng thời cũng trong năm vừa qua, giá trị thanh toán qua internet đạt 21,4 triệu tỷ đồng với 297,4 triệu giao dịch; giá trị thanh toán qua kênh di động xấp xỉ 7.8 tỷ đồng với 696,3 triệu giao dịch; thanh toán qua POS đạt 395,86 nghìn tỷ với 232 giao dịch và thanh toán qua ATM đạt 1818,58 nghìn tỷ với 660 giao dịch.
2. Cơ hội phát triển của ngân hàng số
2.1. Dân số đông và sự phổ cập của internet
Sắp cán mốc 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ cùng với việc internet được phổ cập và phủ sóng rộng rãi trên toàn quốc, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khả năng tiếp cận và thích nghi với công nghệ mới nhanh chóng. Theo báo cáo Thị trường Quảng cáo số Việt Nam của Adsota vào tháng 7/2020, nước ta có đến 43,7 triệu người đang sử dụng smartphone, chiếm 44,9% dân số và lọt top 15 thị trường có số người sử dụng smartphone cao nhất thế giới. Có thể nói Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng cho các ngân hàng phát triển dịch vụ số với nhu cầu rất cao từ phía người dùng.
2.2. Những điều luật mới có lợi cho sự phát triển của giao dịch trực tuyến
Hướng đến mục tiêu thúc đẩy dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong tương lai gần, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật đồng thời bước đầu thiết lập hạ tầng pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng triển khai các dịch vụ số. Một số điều luật mới nổi bật gần đây có thể kể đến như: phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2020; cho phép mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử,...
2.3. Thanh toán không tiền mặt đảm bảo an toàn trong mùa dịch
Mặc dù đại dịch Covid19 xuất hiện đã ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến nền kinh tế nhưng không thể phủ nhận, đây chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy người dân gia tăng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Cụ thể, trong giai đoạn giãn cách xã hội và người dân không thể ra ngoài, việc mua sắm online được gia tăng mạnh mẽ và kèm với đó là sự phát triển của các phương thức thanh toán không tiền mặt qua chuyển khoản, qua ví điện tử liên kết với các sàn thương mại điện tử,... Ngay khi các lệnh giãn cách được xóa bỏ, nhiều người vẫn duy trì thói quen thanh toán này do sự tiện lợi và an toàn khi không phải tiếp xúc trực tiếp.

3. Những thách thức mà ngân hàng số Việt Nam cần vượt qua
3.1. Chi phí đầu tư công nghệ cao
Công nghệ nói chung và công nghệ ứng dụng trong ngành ngân hàng nói riêng có tốc độ phát triển nhanh chóng và dễ dàng thay đổi. Chi phí đầu tư công nghệ lớn đến từ việc các ngân hàng phải thường xuyên cải tiến, bảo trì và nâng cấp hệ thống để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây được coi là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là những ngân hàng vừa và nhỏ khi việc đầu tư công nghệ đòi hỏi rất nhiều nguồn lực nhưng công nghệ đó lại nhanh chóng lỗi thời và phải cập nhật mới.
3.2. Khung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển công nghệ
Tất cả các ngân hàng đều hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, mọi chiến lược kinh doanh đều cần đảm bảo tuân thủ đúng khung pháp lý. Thế nhưng vấn đề là tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh và thay đổi từng ngày, trong khi việc ban hành các quy định, luật pháp liên quan thì luôn cần nhiều thời gian. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển dịch vụ số tại một số ngân hàng.
3.3. Vấn đề bảo mật thông tin tại Việt Nam còn kém
Có thể nói, ngành ngân hàng luôn là mục tiêu hàng đầu của những tội phạm công nghệ. Bằng những thủ đoạn tinh vi, các tin tặc có thể lừa người dùng thực hiện các giao dịch, cung cấp những thông tin bảo mật như mật khẩu, mã OTP hay truy cập vào những trang ngân hàng giả mạo,... nhằm chiếm đoạt tài sản từ họ. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải nâng cao hơn nữa việc bảo mật thông tin khách hàng và có những biện pháp hữu hiệu để chống lại sự xâm nhập của những tội phạm công nghệ, bảo vệ an toàn cho người dùng cũng như tài sản của họ.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên bị lộ thông tin cá nhân cũng là lý do khiến nhiều người chần chừ sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Nâng cấp hệ thống và thuyết phục khách hàng tin tưởng vào những dịch vụ số luôn là thách thức lớn đối với mọi ngân hàng.
3.4. Thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến
Ngày nay, các dịch vụ ngân hàng số đã trở nên phổ biến đối với hầu hết người dân thành thị. Thế nhưng ở những khu vực tỉnh và vùng nông thôn, người dân vẫn có xu hướng thích sử dụng tiền mặt do suy nghĩ tiện lợi và an toàn hơn. Đồng thời, hệ thống ngân hàng ở đây cũng khá thưa thớt, cơ sở hạ tầng internet cũng chưa được phổ cập rộng rãi nên việc tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng số của người dân còn rất khó khăn. Phổ cập công nghệ đến vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt sang các dịch vụ số của người dân là thách thức lớn đối với toàn ngành ngân hàng Việt Nam.

Ngân hàng số đang dần trở thành xu thế tất yếu của ngành, đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn tự mình cập nhật để không bị tụt lại phía sau. Đứng trước những cơ hội và thách thức của thị trường, doanh nghiệp cần biết nắm bắt và phân tích, đánh giá để từ đó lập nên những kế hoạch kinh doanh hiệu quả. Theo dõi website Marcom Mate để không bỏ lỡ những tin tức về thị trường và marketing mới nhất.
Nguồn: NewLife Media tổng hợp